Phát triển các sản phẩm từ nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái đang là cách làm của tỉnh Thái Bình. Với cách làm này sẽ xóa dần khoảng cách nông thôn và thành thị, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Hướng đi này không những nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân mà còn góp phần phát triển du lịch sinh thái nông thôn ngay trên vùng đất quê hương.
Cánh đồng Cửa miếu thôn Vân Đài, xã Chí Hòa, Hưng Hà, Thái Bình vẫn là 1 vùng đất thấp, chua trũng, cấy lúa kém hiệu quả. Thế nhưng chỉ sau 1 năm bắt tay vào quy hoạch và cải tạo, vùng đất này đã thực sự “thay da đổi thịt”, phủ trên mặt nước rực rỡ đủ sắc màu các loại hoa sen, hoa súng, quyện vào hương thơm ngào ngạt là những dòng người tấp nập đến thăm quan và mua các sản phẩm từ sen.
Đến nay HTX hoa sen Vân Đài đã quy hoạch được 3,7 ha đất được chia thành 16 ô nhỏ; trong đó 14 ô trồng sen và 2 ô trồng hoa súng. Diện tích đất còn lại được trồng các loại cây cảnh như: Hoa Đỗ Quyên, hoa Hồng Trà, Bạch trà và cây ăn quả các loại. Mỗi ô trồng sen được HTX đã chọn lọc trồng 1 giống sen khác nhau, bao gồm: 3 giống lấy hoa cắm cành, 3 giống lấy hoa ướp trà, 2 giống sen lấy hạt, 2 giống lấy ngó, 2 giống lấy củ và 2 giống làm cảnh. Mỗi chủng loại giống đều có những đặc điểm nổi trội với nhiều màu sắc và hương vị khác nhau nhưng đều hội tụ đủ yếu tố đó là: Đẹp và màu sắc, thơm về hương vị và bền về thời gian.
Theo bà Nguyễn Thị Chiến – PGĐ HTX Hoa Sen Vân Đài, để sen đạt được chất lượng, hiệu quả cao nhất, ngay từ ngày bắt tay vào trồng, cán bộ kỹ thuật của HTX đã phải nghiên cứu và cải tạo chất đất cho phù hợp, chọn các giống sen mới, nhập khẩu, áp dụng việc trồng sen đảm bảo đúng kỹ thuật, mật độ 4m2/ cây.
Sau 4 tháng trồng sen, dự án Sen Vân Đài cho thu hoạch bước đầu đạt kết quả khá cao. Giống sen lấy hoa cắm cành cho năng suất 40.000- 45.000 bông/1.000 m2 trong vòng 6 tháng, màu sắc hoa đẹp, hoa bền, có hương thơm nhẹ. Giống sen lấy hoa ướp trà cho năng suất hoa khoảng 40.000 bông/1.000 m2/6 tháng), có hương thơm đậm đà, đặc trưng của vị sen, có nhiều nhị (hạt gạo) để ướp chè sen.
Giống sen lấy hạt, hoa nhiều, tỷ lệ đậu quả đạt 98%, hạt to, trọng lượng hạt lớn, năng suất hạt cao, chất lượng hạt ngon, bùi, dùng để chế biến các loại sữa sen, mứt sen, bột dinh dưỡng sen, và rất nhiều sản phẩm khác. Đối với giống sen lấy ngó vì là sinh trưởng ở môi trường dưới nước nên hầu như không có sâu bệnh, mỗi cây ra rất nhiều ngó, 1 lứa trung bình thu hoạch từ 150-200 kg/ lần/ha .
Với giống sen lấy củ, sau gần 3 tháng kể từ ngày trồng cây bắt đầu cho thu hoạch củ, với sản lượng từ 9-10 tấn củ/ha, với giá bán thì 40-45.000 đ/kg, trung bình mỗi ha sen lấy củ cho thu nhập từ 360 đến 400 triệu đồng. Còn đối với giống sen làm cảnh lại có 1 đặc tính là rất sai hoa, hoa lộ trên mặt lá, nhìn xa hầu như toàn thấy hoa nở, cánh hoa màu trắng, hồng, đỏ, thời gian hoa nở kéo dài từ hạ sang thu, rất thích hợp để cho khách du lịch về thăm quan, trải nghiệm. Không chỉ các sản phẩm thô, mà các sản phẩm đã có qua sơ chế, chế biến như chè ướp sen, sữa sen, rượu sen, ngó sen, củ sen muối… cũng đã được những xã viên của HTX hoa sen Vân Đài chế biến và cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh, được nhiều du khách biết đến.
Theo chị Phạm Tú Uyên – Du khách Hà Nội, Tôi sinh ra tại vùng quê lúa nhưng theo ba mẹ lên Hà Nội lập nghiệp, mỗi lần về quê tôi thường khám phá những điểm đến để trải nghiệm. Được biết, điểm Hoa Sen Vân Đài, xã Chí Hòa đã được khá nhiều du khách thập phương tấp nập biết đến. Theo chị Uyên nơi đây không chỉ bởi những sản phẩm từ sen mà còn là 1 khu sinh thái khá hấp dẫn với cảnh quan đẹp, môi trường trong lành giữa vùng quê nông thôn.
Đánh thức tiềm năng
Thái Bình là tỉnh được thiên nhiên ưu ái với 3 mặt giáp sông, một mặt giáp biển tạo ra hệ thống sông ngòi dày đặc len lỏi giữa những cánh đồng thẳng cánh cò bay với những xóm, làng trù phú mang nét đặc trưng của nền văn minh lúa nước vùng Đồng bằng sông Hồng. Nơi đây thuận lợi cho phát triển của ngành nông nghiệp với nhiều sản phẩm đặc thù như: Gạo chợ Gốc, gạo nếp chùa Keo, gạo Vân Đài, gạo Mễ Thương, gạo Tam Xuân; mít dai vàng, ổi bo, hồng xiêm Lô Giang, gà Tò, rươi, muối, nước mắm Diêm Điền,… mỗi sản phẩm bên cạnh chất lượng thơm ngon còn chứa đựng giá trị văn hóa có thể thu hút du khách thăm quan, trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thái Bình, tỉnh xác định, phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2022 – 2025 và đến năm 2030 gắn với du lịch, phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững. Không chỉ có sẩn phẩm nông sản, Thái Bình còn được thiên nhiên ưu đãi ban cho khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ sinh thái biển đa dạng như khu rừng ngập mặn Thụy Trường, cồn Đen, cồn Vành,… đều là hệ sinh thái tài nguyên du lịch có giá trị.
Giai đoạn 2011- 2020, tốc độ tăng trưởng GDP nông, lâm, thủy sản của Thái Bình đạt bình quân 3,0%/năm; cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng thủy sản tăng từ 12,27% năm 2010 lên 19,03% năm 2020; tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp tăng từ 36,55% năm 2010 lên 41,69% năm 2020, giảm tỷ trọng trồng trọt trong nông nghiệp từ 59,2% năm 2010 xuống 53,46% năm 2020.
Theo bà Nguyễn Lan Hương – Giám đốc Công ty du lịch Việt Xanh, tiềm năng du lịch trải nghiệm của Thái Bình là rất lớn. Địa phương có nhiều làng nghề, làng văn hóa như: Làng tổ Chèo (Phong Châu – Đông Hưng), múa rối nước ở Nguyên Xá (Đông Hưng), làng thêu (Minh Lãng – Vũ Thư), làng muối (Tiền Hải, Thái Thụy), làng dệt chiếu Tân Lễ (Hưng Hà), làng chạm bạc (Đồng Xâm – Kiến Xương). Người dân Thái Bình chân thật, mộc mạc nhưng cần cù, khéo tay, chất phác và mến khách, dễ tiếp thu cái mới,… Do đó, dễ tiếp cận kiến thức về phục vụ du lịch nông nghiệp.thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nuôi trồng đánh bắt thủy sản và có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch.
Theo bà Hương, thực tế tại nhiều địa phương của Thái Bình như (Tiền Hải; Thái Thụy; Hưng Hà…) đã có rất nhiều điểm nhấn từ du lịch nông nghiệp, nông thôn. Các mô hình du lịch nông thôn với sự tham gia trực tiếp của người dân bản địa đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân, trở thành một phương thức giảm nghèo. Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp Thái Bình cũng cần một định hướng cụ thể để hướng tới phát triển bền vững, hiệu quả tại những cộng đồng còn khó khăn và các miền quê trong toàn tỉnh.